Quán chọn gạo Mộc Tuyền từ Tây Bắc để làm bánh phở tươi. Đầu bếp xay ủ gạo thành bột, tráng bánh và thái thành những sợi phở mềm dai.
Trong không gian bếp mở, thực khách có thể quan sát đầu bếp làm trực tiếp và thưởng thức phở ngay tại bàn - là điểm cộng của quán phở Việt Nam (số 66 Trần Quốc Toản, quận 3, TP.HCM).
Bánh phở được đầu bếp làm trực tiếp ngay tại quán - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong thực đơn, món làm khách ấn tượng nhất là phở thố đá, với nước phở được hầm từ xương ống bò trong 48 tiếng.
Thố đá làm nóng, rồi cho phần nạm, đuôi và sườn bò vào cùng đun cho thật sôi. Riêng bánh phở và thịt bắp hoa tươi giòn đựng trong dĩa và đem ra cho khách dùng trực tiếp.
Bánh phở được cắt to - nhỏ theo ý của thực khách - Ảnh: HOÀNG AN
Thực khách sẽ thưởng thức bằng cách tự tay trụng bánh phở và thịt bắp hoa tươi vào nước phở trong thố đá đang sôi. Khách ăn đến đâu, trụng đến đó vì thố đá giữ độ nóng của nước phở rất lâu, ăn xong mà khói vẫn bốc nghi ngút để thực khách hưởng trọn hương vị phở cho đến cuối.
Ngoài ra, khách có thể dùng phở kèm với hành lá tươi, giá, rau thơm, bánh quẩy tạo nên hương vị rất riêng.
Chị Hoàng Thị Thu Hiền (37 tuổi, chủ quán Phở Việt Nam) cho biết lí do chọn tên phở Việt Nam là vì chị muốn nhấn mạnh đây là món ăn truyền thống, Quốc hồn Quốc tuý của dân tộc Việt Nam.
Phở là đặc sản, là nét riêng về ẩm thực đáng tự hào và chị Hiền muốn giới thiệu phở, đặc biệt là phở thố đá đến bạn bè quốc tế.
Kinh doanh phở bằng thố đá chắc chắn sẽ gặp những khó khăn về năng suất, công đoạn chuẩn bị vất vả hơn từ việc chuẩn bị nguyên liệu riêng, làm nóng thố đá, trang trí và khi thực khách dùng cũng kỳ công. Nhưng chính cái riêng này đem lại sự độc đáo khi khách hàng dùng món phở thố đá.
Bánh phở được trụng qua nước sôi một lần để đảm bảo độ dai của bánh - Ảnh: HOÀNG AN
"Cha ông ta từ thuở xa xưa đã dùng nồi đá, nồi đất để nấu ăn, làm món ăn nóng lâu hơn, thì với công dụng đó, tôi cũng muốn người thưởng thức có thể ăn tô phở nóng hổi từ đầu đến cuối, cảm nhận được rõ hơn hương vị truyền thống của món ăn này," chị Hiền nói thêm.
Chị Nguyễn Bội Ngọc (27 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), chia sẻ: "Nhiều lần ra Hà Nội công tác tôi được thưởng thức phở bát đá, hôm nay do nhớ vị phở Bắc nên tôi đã tìm hiểu và đến quán để dùng thử. Quán ở đây giữ được hình ảnh của phở Bắc từ cách trang trí và không gian quán, điểm đặc biệt là hương vị rất đậm đà cho riêng người miền Nam".
Phở thố đá - món ăn vị Bắc được bán ngay tại quận 3, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG AN
Ở Sài Gòn, vẫn chưa nhiều quán cho khách hàng trải nghiệm ăn phở tươi làm trực tiếp và đựng trong thố đá truyền thống như ở quán Phở Việt Nam. Giá dao động trung bình ở đây từ 55.000 đến 95.000 cho một tô phở.
Dự kiến tháng 12 quán sẽ mở thêm một chi nhánh tại Tân Bình, vẫn giữ nguyên hình thức, mô hình kinh doanh phở tươi làm trực tiếp và phở thố đung sôi trong thố đá.
Du khách Mỹ thưởng thức phở trong thố đá tại quán Phở Việt Nam - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Mời độc giả bình chọn 10 thương hiệu phở yêu thích